Nhỏ bạn thân vừa ca thán về chồng tương lai với chúng tôi như thế. Cuối năm cưới nhưng hai người đã dọn về sống chung. Mọi tật xấu của chàng phơi bày khiến nàng có cảm giác bị lừa "vào rọ".
Chàng xuất hiện dấu hiệu lười nhác, thích tụ tập, nhậu nhẹt, ít quan tâm… bạn hãy tìm nguyên nhân để cải tạo ngay. "Sống với lũ" nguy hiểm lắm.
Nguyên nhân 1: Chàng hư tại mẹ
Sau vài lời an ủi, chúng tôi mách cô bạn "méc mẹ người yêu xem sao". Cô nàng ấm ức: "Mình cầu viện rồi. Mẹ chàng bênh con trai chằm chặp. Bà bảo anh đi làm cực khổ cũng vì vợ tương lai. Mình phải cảm thông, chăm sóc khi anh ấy say xỉn. Bà còn mắng khéo mình vô tâm, chỉ biết trách móc mà không lo lắng cho anh ấy".
Nếu lâu lâu chàng say, về muộn một lần, có lẽ bạn dễ thông cảm hơn. Nhưng khi nhậu nhẹt đã thành thói quen, thành sở thích của chàng thì khó mà chấp nhận được. Chưa kể chàng sẽ kiếm cớ, nói dối cho lý do ham chè chén của mình. Không có người khuyên ngăn, chàng hư càng thêm hư.
Chính thế, khi mẹ của người yêu bênh vực con thái quá, nhỏ bạn của chúng tôi càng nản. Cứ nghĩ chàng sai mà còn được tán đồng, cô muốn tức điên lên.
Hai người sống chung sẽ có những lúc cơm không lành, canh không ngọt. Lúc nào mẹ chàng cũng bênh con ra mặt thì bạn chỉ còn nước nuốt cục tức mà thôi. Có đồng minh bảo trợ, đời nào chàng biết sai mà sửa. Chúng tôi đoán chắc anh chàng này quen được mẹ nuông chiều rồi.
Những bà mẹ thấm nhuần tư tưởng nam tôn nữ ti thường nuông chiều con trai thái quá. Họ vô tình truyền quan niệm phụ nữ chịu đựng đàn ông là lẽ thường cho con trai.
Chẳng may, mẹ chàng không công tâm, người yêu bạn không chịu sửa sai, bạn khó được phân xử công bằng. Tương lai nếu có con trai, bạn cũng đừng cưng chiều cậu bé quá nhé. Kẻo sau này con dâu lại than khổ.
Tình yêu và sự quyết tâm của bạn sẽ giúp chàng cải thiện tính cách (Ảnh minh họa)
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt: "Những chàng trai được mẹ ưu ái và chăm lo từ bé vẫn giữ thói quen được nuông chiều khi trưởng thành. Thời gian đầu quen nhau, chàng giữ phép tắc, bạn sẽ không phát hiện ra. Khi sống cùng, bạn mới nhận ra. Anh ấy chịu sửa hay không còn tùy thuộc vào tình yêu dành cho bạn. Bạn đủ nhẫn nhịn mới chấp nhận được anh chàng này. Nhưng bạn nghĩ xem, sao phải chịu ấm ức vì thói hư của người yêu. Có lẽ những anh chàng này cần được trở về bên mẹ nếu vẫn chứng nào tật nấy".
Nguyên nhân 2: Bạn bè tiếp tay
Câu chuyện mà cô bạn của chúng tôi vừa kể chưa dừng lại ở đó. Mùa Euro vừa rồi, chàng tụ tập chiến hữu về nhà xem bóng đá. Cô nàng nhiệt tình nấu vài món cho chàng tiếp bạn. Người yêu giúp cô dọn thức ăn và chén đĩa. Mấy người bạn thấy vậy cười, bảo: "Hưng cưng người yêu quá! Chuyện bếp núc của đàn bà con gái cũng rành. Chắc thường ngày được nàng huấn luyện kỹ lắm đây".
Về sau, ngại bạn bè gièm pha, anh ấy để mặc một mình cô dọn dẹp. Mỗi lần bạn bè chàng tụ tập cô lại ngao ngán vì bị biến thành ô sin.
Bạn sẽ làm gì khi người của bạn dễ bị khích tướng giống anh chàng trên? Khoan làm ầm lên nhé, bạn hãy ngọt ngào khuyên chàng sửa sai trước. Có thể anh ấy sĩ diện trước mặt bạn bè, nhưng sẽ giúp bạn khi mọi người ra về. Hoặc chờ bạn chàng về hết, hãy yêu cầu anh ấy dọn một mình cho biết thế nào là công bằng.
Trường hợp một cô bạn khác, người yêu cô ấy bỗng dưng tốt tính khi ra nước ngoài. Lần đến Pháp, hai bạn đi dạo trên quảng trường lớn. Gặp cụ già khuân cái va li nặng, chàng đến phụ một tay. Cô nàng ngạc nhiên khi anh bỗng ga lăng thấy rõ.
Về nước thì đâu lại vào đấy. Đi mua sắm, chàng thản nhiên để cô xách túi lớn, túi nhỏ vì sợ bạn bè nhìn thấy xách đồ cho người yêu. Về nhà, chàng cũng quên mở cửa giúp nàng.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm cũng cho biết: "Bạn bè cũng như môi trường, hoàn cảnh chi phối rất mạnh đến các hành vi ứng xử của các Adam".
Hoàn cảnh thay đổi, cách ứng xử của đàn ông cũng chuyển biến để thích nghi. Vì sĩ diện với bạn bè, vì quan niệm đàn ông giúp phụ nữ làm việc nhà là không hay nên chàng không dám là chính mình. Tuy nhiên, bạn lại muốn chàng luôn khoác "chiếc áo" lịch thiệp, ga lăng với mình? Nhẹ nhàng, từ tốn là cách để bạn lột dần chiếc áo xấu xí của chàng. Đừng quên nhắc người yêu, bạn mới là người đồng hành cùng anh ấy chứ không phải bạn bè hay những người xung quanh chàng.
Nguyên nhân 3: Không ai ngoài bạn
Có phải lúc mới quen bạn nghĩ mình nên chăm sóc, lo lắng cho chàng? Chẳng phải bạn vì 4 chữ "Công, dung, ngôn, hạnh" hay sao hoặc là muốn chứng tỏ "ta đây" cũng biết đảm đang nấu ăn, dọn dẹp. Chàng chỉ việc ngồi không hưởng thụ.
Về sau, anh ấy xem đó như bổn phận của bạn. Khi chịu hết nổi, bạn quay lại trách chàng, nhưng rõ ràng lỗi là do bạn khi chiều anh ấy đến hư.
Như trường hợp cô bạn có người yêu ham nhậu, chúng tôi hỏi mãi, nàng mới thú thật: "Lúc đầu, chính mình khuyến khích chàng về trễ". Do mê shopping, không muốn về sớm nấu cơm, nàng rỉ tai người yêu tích cực gặp gỡ bạn bè, thắt chặt mối quan hệ. Thế là chàng quen thói tụ tập sau giờ làm.
Mua sắm hàng sale có mùa, có đợt, còn nhậu nhẹt chỉ cần có bạn bè. Chính sự nuông chiều ban đầu của bạn làm chàng quen thói sinh hư.
Không ai ngoài bạn tự thay đổi để giúp chàng từ bỏ thói hư. Tình yêu và sự quyết tâm của bạn sẽ giúp chàng cải thiện tính cách. Nếu anh ấy vẫn ngựa quen đường cũ, bạn nên cân nhắc về mối quan hệ của mình.
- Không nên chiều chuộng chàng trong thời gian mới yêu. Được nước làm tới, chàng sẽ "nuôi dưỡng" tật hư trong người. Đến lúc bạn chịu hết nổi, muốn chàng sửa sai sẽ khó khăn hơn nhiều.
- 86% nam giới thừa nhận, họ thường tán tỉnh người khác phái. Nếu người yêu bạn cũng hư đến vậy, hãy xem mình đủ yêu để chấp nhận không nhé!
- Bạn phát hiện chàng chỉ biết đến bản thân. Có thể do chàng từng được nuông chiều quá rồi.
0 nhận xét: